Về Ninh Giang (Hải Dương) mấy ai quên được hương vị của bánh. Những cái tên mộc mạc như Bánh gai bà Tới, Lan Trạm, Liên Hương…chỉ cần nghe nhắc tới đã thấy đâu đây mùi bánh gai thoang thoảng.
Vùng đất Ninh Giang giàu văn hiến không chỉ nổi tiếng với 3 vị vua họ Khúc, nơi có đền Tranh linh thiêng, đền thờ Khúc Thừa Dụ uy nghiêm, mà còn tạo dấu ấn bởi nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong độc đáo, thương hiệu đặc sản bánh gai ngọt ngào. Ngày nay, bánh gai Ninh Giang ngang dòng sông Luộc sang đất Thái Bình, Hải Phòng, về Hưng Yên, Hà Nội… như một thứ quà quê bình dị, thơm ngon và bất kỳ du khách nào qua đây đều muốn có được.
Theo nhiều cụ già tại thị trấn Ninh Giang: Nghề làm bánh gai đã có từ hơn 700 năm trước. Ban đầu, bánh tròn như quả chanh, không có lá bọc. Ngày xưa, bánh gai rất hiếm, chỉ được dùng trong ngày Tết hay nhà có giỗ chạp. Ngày thường, hàng xóm láng giềng có việc đi xuống huyện về biếu chiếc bánh, nhà có 5 hay 6 người thì phải xắt thành từng ấy miếng, mỗi người một miếng nhỏ nhâm nhi vị ngọt đượm của bánh.
Từ những năm đầu thập kỷ XX, bánh gai được bán nhiều ở bến đò Chanh nên có thời được gọi là “bánh đò Chanh”. Vào những năm 40 của thế kỷ XX, tại Ninh Giang đã có 2 nhà hàng bánh gai lớn là Ngọc Châu và Ngọc Anh. Thời bao cấp, Ninh Giang có HTX Liên Hương với hàng trăm người làm bánh gai.
Ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ninh
Giang cho biết: So với các loại bánh gai khác, bánh gai Ninh Giang chính hiệu có hương vị, bản sắc riêng từ cách chọn nguyên liệu chế biến đến màu sắc và cách gói bánh độc đáo. Mỗi một chiếc bánh gai thơm ngon, khi làm phải trải qua nhiều công đoạn từ lựa chọn gạo, xay gạo, rây kỹ, chọn lá gai, hấp bánh…
Để làm ra chiếc bánh ngon, đạt tiêu chuẩn người thợ phải kỹ lưỡng, công phu trong từng giai đoạn. Gạo là loại đặc sản nếp cái Hoa Vàng Kinh Môn nổi tiếng cả nước. Mật phải thật ngọt, đun nóng để trộn cho dễ. Lá gai phải là lá gai nếp thì bánh mới dẻo và có mùi thơm. Lá gai được rửa sạch cho vào nồi ninh nhừ. Ninh xong đem rửa sạch rồi muối, ủ bằng đường 2-3 ngày. Khi lá đã được muối ngấu, người thợ mới dùng chày giã nát lá, lọc lấy bột mịn rồi đem trộn với bột nếp. Tỷ lệ bột lá/bột nếp sẽ quyết định chất lượng của lớp áo bánh.
Nhân bánh cũng được chuẩn bị công phu không kém. Mỡ cánh (mỡ cổ lợn) được muối bằng đường thật khéo, sao cho mỡ lợn không còn ngấy, có độ giòn như mứt bí. Hạt sen chế biến sao cho mỗi hạt đều mềm và không nát, còn nguyên hương vị. Bột gạo nếp, bột lá gai, được trộn đều với mật để làm vỏ bánh. Khi trộn bột, càng vắt lâu thì bánh càng dẻo càng mềm mại thơm ngon. Người Ninh Giang không luộc bánh gai mà hấp trong khoảng 2 giờ đến khi bánh dậy mùi thơm ngậy đặc trưng. Khi ăn bánh, ai cũng sẽ phải ngất ngây với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh.
Bánh gai Ninh Giang hiện đã có gần 100 cơ sở sản xuất, với nhiều thương hiệu như: Tuyết Nhung, Minh Tân, Nhân Hưng, bà Tới… Trong đó, bánh gai bà Tới, Tuyết Nhung là hai cửa hàng nổi tiếng mang hương vị riêng mà chỉ có bánh gai Ninh Giang mới có. Mỗi ngày, trung bình một cơ sở làm bánh gai ở Ninh Giang gói khoảng 500 chiếc bánh, khi có nhiều hợp đồng mua hàng thì con số này lại lên đến hàng nghìn chiếc. Với giá từ 30-50 nghìn đồng/chục chiếc, bánh gai đã đem lại nguồn thu lớn người dân Ninh Giang.
Bánh gai là một sản phẩm ẩm thực, du lịch độc đáo của Ninh Giang. Hàng năm tại đây đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề, thưởng thức món đặc sản nổi tiếng xứ Đông này. Tuy là đặc sản nổi tiếng song bánh giai Ninh Giang hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các cơ sở sản xuất bánh gai vẫn duy trì kiểu làm ăn manh mún, lại thiếu vốn, giá nguyên liệu tăng cao, chưa liên kết để tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm. Do vậy, trong thời gian tới, để phát triển thương hiệu làng nghề bánh gai Ninh Giang, rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành, địa phương trong việc quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm.